Chế độ điền địa Nông_nghiệp_Đại_Việt_thời_Mạc

Ruộng công

  • Phân điền:

Đây là hình thức ban cấp ruộng đất cho các thành viên trong hoàng tộc. Nhiều văn bia để lại cho thấy có khá nhiều thành viên trong hoàng tộc nhà Mạc đã cúng hiến ruộng cho chùa.

  • Lộc điền hay binh điền:

Khác với thời Lê sơ - lộc điền chủ yếu dành cho quan lại - thời Mạc thì đối tượng được hưởng chủ yếu là binh lính để khuyến khích họ chiến đấu cho triều đình trong bối cảnh chiến sự liên miên. Tuy ban hành từ năm 1528 thời Mạc Thái Tổ nhưng đến năm 1543 thời Mạc Hiến Tông mới thực hiện được. Lộc điền chủ yếu lấy từ nguồn ruộng công ở các làng xã và ruộng chùa. Số lượng binh lính nhà Mạc thời điểm cao nhất là 12 vạn, mỗi người lính được 2 mẫu, diện tích lộc điền khoảng vài chục vạn mẫu. Ruộng cấp cho binh sĩ thường thuộc loại "nhất đẳng điền".

  • Thế nghiệp điền, tự điền:

Là ruộng của những công thần và con cháu họ được hưởng truyền nối sang đời sau. Những ruộng thế nghiệp này được tư nhân hóa và mang bán công khai[2].

  • Quân điền:

Chế độ quân điền thời Lê Thánh Tông về cơ bản đã bị phá sản từ cuối thời Lê Sơ. Tuy chính sách quân điền đã mất dần tác dụng nhưng nhà Mạc vẫn duy trì. Nhà Mạc chủ trương phân chia ruộng quân điền đồng đều cho mọi người, không phân biệt hạng dân. Một bộ phận khác trong ruộng công, đất công và đất hoang được kê khai, đo đạc và chia cho các hạng từ tướng, quân, quan, dân tới cả người già yếu, cô quả ở các địa phương được hưởng. Do ưu tiên chính sách binh điền để ban thưởng cho binh lính, ruộng đất dùng làm quân điền không còn nhiều[3], thậm chí có ý kiến cho rằng nhà Mạc không còn đủ ruộng đất để thực hiện chế độ quân điền[4].

Ruộng tư

Chế độ tư hữu ruộng đất thời Mạc có điều kiện phát triển tự do[5]. Trong nhiều năm kể từ đầu thế kỷ 16, chiến tranh triền miên, triều đình không có khả năng quản lý, vì vậy tình trạng lấn chiếm đất công ngày càng nhiều. Các làng xã bị tước hết quyền hành đối với ruộng công[6].

Tại các làng mạc thời nhà Mạc đã lập địa bạ. Nhà Mạc không những không khống chế mà còn khuyến khích, có chính sách cởi mở với việc phát triển ruộng tư. Việc mua bán đất đai tư nhân rất phổ biến và triều đình không đề ra biện pháp hạn chế hay cấm đoán nào[5].

Dù hình thức ruộng tư khá phổ biến trong xã hội - từ hoàng thân quốc thích tới quan lại và dân thường, nhưng hầu như không có chủ sở hữu lớn. Tầng lớp nông dân chiếm đa số trong các chủ sở hữu ruộng tư[7].

Các nhà nghiên cứu cho rằng: hiện tượng này một mặt phản ánh hậu quả của chiến tranh khiến hiệu lực quản lý của chính quyền tập trung giảm đi, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự tăng trưởng của quan hệ hàng hóa và tiền tệ trong xã hội và phản ánh sự phát triển của tư hữu và ý thức tư hữu[8].

Ruộng chùa

Ruộng chùa thời Mạc tồn tại khá phổ biến. Thời Mạc lại là thời kỳ phục hưng của Phật giáo, do đó ruộng chùa ngày càng nhiều. Nhiều ngôi chùa đổ nát được tu tạo và sau đó nhà chùa trở thành chủ sở hữu ruộng đất.

Trong số ruộng đất thuộc nhà chùa sở hữu có cả ruộng công (quan điền) do những người có ruộng cúng tiến lên chùa. Có nhiều thành viên hoàng tộc và quan lại mang ruộng cúng cho nhà chùa[2]. Tuy nhiên, các chùa lớn nhất cũng chỉ sở hữu khoảng 70 mẫu ruộng[9].